Năm 2022 Kiên Giang tăng trưởng kinh tế đạt 7,7%, cao nhất trong 5 năm qua và nằm trong nhóm 30 tỉnh – thành có tốc độ phát triển kinh tế cao của cả nước.

>> Kiên Giang đẩy mạnh Cải cách hành chính: “Làm hết việc, không hết giờ”

Chia sẻ với DĐDN, bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho biết, tỉnh đang quyết tâm xây dựng “thương hiệu Kiên Giang” trong nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội.

– Thưa bà, năm 2022 tình hình kinh tế diễn biến nhiều bất lợi, Kiên Giang đã vượt qua và đạt những kết quả đáng ghi nhận?

Năm 2022, mặc dù đứng trước những khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Kiên Giang cùng sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kết thúc năm 2022, Kiên Giang có 25/27 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết.

Cụ thể là kinh tế tiếp tục ổn định và phục hồi nhanh chóng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 68.436 tỷ đồng, đạt 116,64% kế hoạch, tăng trưởng kinh tế 7,7% (Nghị quyết 6.02% trở lên). Thu nhập bình quân đầu người đạt 66,24 triệu đồng.

Đây cũng là năm Kiên Giang đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua và nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế cao của cả nước. Đáng kể là giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản, giá trị sản xuất công nghiệp cả năm đều vượt kế hoạch.

Tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội 41.171 tỷ đồng, đạt 110,14% kế hoạch; Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 11.579 tỷ đồng, vượt 4,81% dự toán, tăng 0,2% so cùng kỳ. Trong năm qua, toàn tỉnh được công nhận thêm 17/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh có 107/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 92,24%; có 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.

>> Kiên Giang: Thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh

Để đạt được kết quả nêu trên, Đảng và Chính quyền tỉnh Kiên Giang luôn tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Đặc biệt là các công trình trọng điểm, dự án đột phá, thường xuyên quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút, khai thác hiệu quả các nguồn vốn và đầu tư xã hội.

– Với vai trò hỗ trợ doanh doanh nghiệp, Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Kiên Giang đã và đang góp phần xây dựng “thương hiệu Kiên Giang” ra sao, thưa bà?

Trong năm 2022, Trung tâm đã chủ động xây dựng kịch bản xúc tiến, đổi mới hình thức trên cả 3 lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm. Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan và doanh nghiệp tham gia các chương trình, sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trên cơ sở vừa đảm bảo thuận lợi, hiệu quả vừa tiết kiệm được ngân sách nhà nước. Qua đó, Trung tâm tổ chức triển khai có hiệu quả các hội nghị trực tuyến để cập nhật kịp thời những diễn biến mới tác động đến hoạt động xúc tiến cả nước nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.

Mục đích là nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Trung tâm thường xuyên chủ động phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương và doanh nghiệp tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp để Chính quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Kiên Giang phấn đấu xây dựng thương hiệu “Thành phố biển Rạch Giá” thành Đô thị loại 1 vào năm 2023.

Kiên Giang phấn đấu xây dựng thương hiệu “Thành phố biển Rạch Giá” thành Đô thị loại 1 vào năm 2023.

Trong những năm qua, Trung tâm đã tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cấp tỉnh đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và nhiều đặc sản Kiên Giang đưa đi giới thiệu tại các thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều cuộc hội thảo trực tuyến Online thông qua các cơ quan ngoại giao nước ngoài đã được Trung tâm tổ chức để kết nối giao thương giữa doanh nghiệp trong tỉnh với các đối tác nước ngoài như Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu…

– Bước sang năm 2023, hoạt động xúc tiến của Trung tâm có những điểm mới gì để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa bà?

Năm 2023, Trung tâm sẽ triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và danh mục các dự án đầu tư. Trung tâm sẽ vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương thu hút các dự án trọng điểm, ưu tiên mời gọi đầu tư.

Qua đó, củng cố mối quan hệ với khách hàng truyền thống, khai thác tốt các thị trường hiện có. Từ đó, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm khách hàng và thị trường mới, nắm bắt thông tin, nhu cầu của thị trường, khai thác và phát triển thị trường trong và ngoài nước để có thể xuất khẩu các mặt hàng chủ lực mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như nông sản, thủy sản.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *