Phấn khởi vì trúng mùa, trúng giá là cảm xúc của người dân trồng lúa được ghi nhận trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Năm 2022 là năm bùng nổ của ngành gạo khi xuất khẩu tăng cả về số lượng và giá trị. Bên cạnh những tin vui từ thị trường xuất khẩu thì việc hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng lúa chính là điều kiện giúp nông dân có thu nhập ổn định, bền vững.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết chuỗi giá trị theo định hướng mô hình hợp tác xã kiểu mới là yếu tố để ngành gạo phát triển bền vững Ảnh: Hiền Thanh.
Việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết chuỗi giá trị theo định hướng mô hình hợp tác xã kiểu mới là yếu tố để ngành gạo phát triển bền vững Ảnh: Hiền Thanh.

Trước những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu gạo, hiện giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) duy trì ở mức cao. So với thời điểm vụ lúa Hè Thu 2022, mỗi giống lúa tăng từ 500-1.000 đồng/kg. Giá lúa tăng mạnh đã tiếp thêm động lực cho nông dân khi bước vào vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 khi giá lúa cao, lợi nhuận cao hơn trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng như hiện nay.

Phấn khởi vì được mùa, được giá

Anh Lê Văn Đương (xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, năm 2022 anh triển khai mô hình “lúa thơm – tôm sạch”.

“Gia đình tôi thu hoạch xong 2,5 ha lúa thơm ST25 canh tác theo hướng hữu cơ. Toàn bộ diện tích được doanh nghiệp bao tiêu với giá 8.100 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay nhờ đó, lợi nhuận đạt gần 30 triệu đồng/ha” – anh Đương nói và cho biết, với giá bán bình quân trên 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bà con còn lời hơn một nửa.

An Giang là một trong những tỉnh đi đầu và thành công nhất trong xây dựng và phát triển các “cánh đồng lớn”. Đặc biệt, ngày càng có nhiều nông dân ở địa phương này làm giàu nhờ sản xuất lúa gạo quy mô lớn để xuất khẩu đi châu Âu.

Như mô hình của nông dân Huỳnh Hữu Gân, ở ấp An Lương, xã Lương Phi (huyện Tri Tôn), người chuyển đổi thành công hơn 40ha lúa sang cách trồng mới phục vụ cho việc xuất khẩu sang châu Âu. Ông Gân cho biết, về đầu ra, người nông dân không còn phải lo cảnh “được mùa mất giá” bởi các công ty lương thực, doanh nghiệp (DN) trong chương trình bao tiêu, thu mua cao hơn giá thị trường và hợp đồng được ký kết ngay từ đầu vụ.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, ngành nông nghiệp của tỉnh năm 2022 tăng tưởng vượt bậc là nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và gắn với liên kết DN để tiêu thụ sản phẩm. An Giang luôn xác định liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại. Vì vậy, ngành nông nghiệp rất quan tâm và tích cực triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã với DN. Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân và dần hình thành vùng nguyên liệu lớn cho DN xuất khẩu. Về cấp mã số vùng trồng, chỉ tính riêng cây cây lúa, đến năm 2022 toàn tỉnh có 115 mã số, với diện tích 6.956,5 ha.

Vụ mùa bội thu ở An Giang. Ảnh: Chi Nhân.
Vụ mùa bội thu ở An Giang. Ảnh: Chi Nhân.

Liên kết tạo nguồn nguyên liệu

Cùng với các địa phương, DN xuất khẩu gạo cũng đã nhận thấy, cần xây dựng chiến lược thị trường lâu dài. Từ đó họ xây dựng liên kết với nông dân, hợp tác xã trong từng vùng nguyên liệu để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng được chuẩn mực, yêu cầu của thị trường.

Năm 2022 được xem là năm thành công của Tập đoàn Lộc Trời khi xuất khẩu gạo tăng hơn 200% vào thị trường tiêu chuẩn cao châu Âu, doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước. Là đơn vị được chọn xuất khẩu đơn hàng gạo đầu tiên sang thị trường EU ngay sau đơn hàng đầu tiên, các đối tác EU tiếp tục đặt hàng cho những lô gạo tiếp theo. Ngay từ tháng 10/2022, Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU vào năm 2023. Ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc tập đoàn cho biết, nhằm đảm bảo chất lượng và tính bền vững trong chuỗi sản xuất lúa gạo, sau khi nhận đơn, Lộc Trời mới bắt tay vào quy trình sản xuất từ giống đến canh tác, thu hoạch, chế biến. Thời gian để thực hiện hết quy trình và cho ra sản phẩm khoảng 6 -7 tháng. Như vậy, các đơn hàng đã ký với EU hiện nay sẽ được giao trong quý II/2023.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Lộc Trời mới đây đã kết nạp thêm DN thành viên vào hệ sinh thái sản xuất tiêu thụ lúa gạo và ký kết hợp tác cung ứng 500.000 tấn gạo trong năm 2023 với Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1). Việc trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Lương thực Lộc Nhân và ký kết cung ứng sản lượng lớn gạo cho Vinafood 1, một trong những đơn vị xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước là những bước đi tích cực nhằm khơi thông và mở rộng dòng chảy của nguồn cung nông sản.

Tương tự, để hoàn thành mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn lúa chất lượng cao vào năm 2030, Tập đoàn Tân Long đã đẩy mạnh liên kết với nông dân từ việc cung ứng vật tư đầu tư đến bao tiêu sản phẩm. Hiện Tân Long đang liên kết trên 3.500 ha lúa tại ĐBSCL. Theo ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, việc xây dựng các vùng nguyên liệu nhằm kiểm soát truy xuất nguồn gốc các chất tác hại ảnh hưởng sản phẩm là điều tất yếu, nhất là khi ngành gạo tiến sâu vào các thị trường lớn.

“Việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết chuỗi giá trị theo định hướng mô hình hợp tác xã kiểu mới sẽ là cơ hội thuận lợi giúp người trồng lúa đảm bảo được đầu ra nhờ cơ chế nông dân canh tác theo đơn đặt hàng và định hướng thị trường từ doanh nghiệp; giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào. Đây là những điều kiện quan trọng giúp tạo nên những sản phẩm gạo sạch, truy xuất nguồn gốc, giá trị cao và từ đó gia tăng lợi nhuận cho nông dân” – ông Bá nói.

Trong năm 2022, Tân Long đã ký thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất lúa gạo với 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang. Theo đó, trong năm 2022, An Giang sẽ tham gia liên kết đạt 10.000ha, năm 2023 đạt 15.000ha, năm 2024 đạt 20.000ha và năm 2025 đạt 30.000ha. Còn tỉnh Kiên Giang sẽ liên kết sản xuất lúa trước mắt là 50.000ha. Ngoài diện tích liên kết trực tiếp, Tập đoàn Tân Long sẽ tổ chức thu mua sản lượng lúa của nông dân An Giang khoảng 100.000 tấn/vụ.

Hiện, hạt gạo Việt Nam đã đến 30 quốc gia. Chất lượng ngày càng nâng cao, đến được các thị trường khó tính, giúp giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới duy trì ở mức cao. Theo các DN xuất khẩu gạo, không chỉ đạt được sự hấp dẫn về giá mà nhiều DN đã có được những đơn hàng đến quý III năm 2023.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho rằng, có thể dự đoán, năm 2023 là năm của ngành gạo, bằng chứng là đầu năm nhưng các DN đã kín đơn hàng hết quý II.

Trong khi đó, thông tin từ các DN cho biết, hiện thương nhân nước ngoài đã tìm đến trực tiếp tận nhà máy để ký hợp đồng chứ không ký hợp đồng tập trung như trước. Chính vì thế, các DN xuất khẩu gạo cần chủ động hợp tác để có được vùng nguyên liệu đủ lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, Nhà nước tạo thuận lợi cho “liên kết 4 nhà” lấy DN là “mắt xích” chính để tạo ra những mô hình, những cánh đồng liên kết sản xuất lúa – gạo có giá trị gia tăng từ gieo trồng đến tiêu thụ sản phẩm.

Ngay từ đầu năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy, thị trường xuất khẩu gạo đã có khởi sắc, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 2. Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng xuất khẩu gạo trong nửa đầu tháng 1/2023 đạt trên 226 nghìn tấn,trị giá gần 115 triệu USD tăng trên 41% về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *